Bạn đang băn khoăn khi không biết phải xử lý chống thấm tường hay chống thấm nhà vệ sinh như thế nào. Bài viết sau đây xin giới thiệu đến bạn cách chống thấm hiệu quả với 5 bước cơ bản.
Sau khi đọc xong bài viết này bạn có thể tự tin khắc phục chống thấm dột cho những vị trí dù là khó khăn nhất trong ngôi nhà thân yêu của mình.
Chống thấm là việc làm rất quan trọng trong thi công sơn
Trong các bài viết trước các bạn đã được làm quen với quy trình thi công sơn, đó là bước đầu tiên để bạn tìm hiểu về cách sơn nhà được thực hiện như thế nào.
Chống thấm luôn là vấn đề được rất nhiều bạn quan tâm, vì nhiều bạn có nhà bị thấm dột mà chưa biết cách phải khắc phục hay xử lý nhà bị thấm dột triệt để như thế nào. Mặc dù trong chúng ta có nhiều bạn đã phải rất mệt mỏi và khó khăn để xử lý nhà bị thấm dột mà kết quả lại không được như mong đợi, sau đó nhà vẫn bị thấm dột trở lại. Trong bài viết này sơn KCC Paint xin được giới thiệu chi tiết đến bạn cách chống thấm hiệu quả với 5 bước cơ bản để sơn chống thấm đạt hiệu quả tốt nhất.
Bước 1: Xử lý triệt để các khiếm khuyết trong khi trát hoàn thiện tường đứng hoặc tường và sàn nhà vệ sinh trước khi tiến hành chống thấm
Việc chống thấm của bạn sẽ trở nên vô ích khi bạn không làm thật kỹ bước này. Bước này yêu cầu bạn hoặc người thợ xây phải trát tường thật kỹ với kỹ thuật trát nguội (tức là trát vữa lớp 1 khô xong mới trát lớp 2 hoàn thiện) để giảm thiểu nguy cơ nứt dăm vữa trát, ngoài ra khi trộn vữa trát cũng phải trộn chuẩn theo vữa trát Mác 50# và trát với độ dầy từ 15 đến 20 mm là đạt yêu cầu. Bạn cũng cần lưu ý ở các lỗ giáo thường khi xây xong sẽ được vá vúi lại nên rất dễ ngấm dột từ đó.
Tường trong nhà vệ sinh nơi mặt tiếp xúc nhiều với nước bạn nên ốp bằng gạch ốp tường để hạn chế ngấm dột cũng như rêu mốc sau này. Sàn nhà vệ sinh trước khi lát cũng phải xử lý chống thấm bằng cách pha trộn một lớp vữa chống thấm để láng nền sau đó có thể lăn thêm 2 lớp sơn chống thấm lên rồi mới tiến hành lát nền.
Bước 2: Vệ sinh bề mặt trước khi sơn chống thấm
Bạn hãy vệ sinh thật sạch sẽ tường trước khi chống thấm. Đó là việc bạn sẽ sử dụng các dụng cụ như đá mài, giấy nhám tường, chổi hay máy nén khí áp lực nhằm mục đích là loại bỏ hoàn toàn các hạt cát hay bụi bẩn còn bám trên tường. Khi tường đã được vệ sinh sạch sẽ thì sẽ giúp lớp sơn chống thấm thẩm thấu sâu vào trong tường và tăng độ bám dính.
Bước 3: Pha trộn sơn chống thấm
– Sơn chống thấm được pha trộn với xi măng theo tỷ lệ 1:1 (sơn chống thấm khi chưa được pha trộn với xi măng chỉ là hỗn hợp chưa hoàn thiện) được thực hiện như sau: Sơn chống thấm pha với xi măng theo nguyên tắc làm đến đâu thì pha đến đó tránh tình trạng hỗn hợp pha để lâu xi măng sẽ bị đóng cục. Nếu là 1 người làm thì khi pha bạn nên chia thùng sơn ra làm 2 phần bằng nhau sau đó cân xi măng và chống thấm theo tỷ lệ 1 kg xi măng với 1 kg sơn chống thấm, bạn nên chọn xi măng nâu vì xi măng nâu sẽ cho màu nâu khi sơn chống thấm và xi măng nâu sẽ tốt hơn là xi măng trắng.
– Cho nước vào xi măng và trộn đều để hỗn hợp đạt đến độ sánh đều sền sệt sau đó mới cho sơn chống thấm vào và trộn đều một lần nữa. Bạn có thể sử dụng KORE WP 2000A
Lưu ý: Tuyệt đối không cho trực tiếp xi măng vào sơn chống thấm và ngược lại, vì làm như vậy xi măng sẽ bị vón cục hoàn toàn và không thể dùng được nữa.
Bước 4: Thi công sơn chống thấm
Sau khi pha sơn chống thấm là bạn phải tiến hành thi công sơn chống thấm ngay, không được để quá lâu dẫn tới xi măng bị đóng rắn hoặc để lâu sẽ làm giảm mức độ thẩm thấu của chất chống thấm vào tường.
Trong quá trình lăn sơn chống thấm bạn phải lăn đủ 2 nước với nguyên tắc lớp trước khô rồi mới lăn lớp tiếp theo. Và khi lăn bạn phải lấy lu lăn nhấp sục mạnh lên xuống trong thùng để tránh xi măng lắng đọng dưới đáy thùng.
– Chống thấm tường đứng:
Khi chống thấm tường đứng chúng ta thường phải sử dụng giáo dây nên trong quá trình lăn và tụt giáo dây bạn hãy cố gắng đảm bảo lăn lớp trước khô rồi mới lăn lớp tiếp theo. Ngoài ra là vần đề về an toàn trong khi thi công chống thấm tường đứng, yêu cầu giáo dây phải chắc chắn và phải có dây đai an toàn kết nối với giáo dây.
– Chống thấm nhà vệ sinh:
Khi chống thấm nhà vệ sinh thường khá lâu lớp sơn mới khô để bạn có thể thi công lớp tiếp theo, bạn không nên sử dụng bất kỳ biện pháp nào để làm cho sơn chống thấm nhanh khô, vì như vậy sẽ làm giảm tuổi thọ của lớp sơn chống thấm đó. Bạn hãy để sơn chống thấm khô hẳn rồi mới ốp lát gạch.
Bước 5: Kiểm tra đánh giá lại quá trình thi công và bảo dưỡng sơn chống thấm
Đây là bước cuối cùng trong quy trình thi công sơn chống thấm. Ở bước này bạn kiểm tra lại những khu vực lớp sơn còn mỏng hay chưa đều để lăn bổ sung thêm sau đó đánh giá lại bề mặt đã đẹp chưa để kết thúc quá trình lăn. Bạn phải kiểm tra thường xuyên trong 24H để đảm bảo cho sơn chống thấm khô hẳn tránh các điều kiện thời tiết xấu như mưa giông (che chắn cẩn thận khi thi công xong mà trời đổ mưa). Nếu trời quá nóng có thể phun vẩy nước ở mức độ dưỡng ẩm cho bề mặt để bảo dưỡng lớp sơn chống thấm bền chắc hơn.
Một điều quan trọng khi thi công sơn chống thấm là thời tiết: Thời tiết lúc đó quá nóng hoặc quá lạnh và đặc biệt là nồm ẩm hay mưa là bạn không được thi công sơn chống thấm.
Khi thời tiết quá nóng với nhiệt độ ngoài trời quá cao, ánh nắng chiếu trực tiếp vào tường làm bề mặt rất khô và nóng rát. Vào thời điểm đó bạn lăn sơn chống thấm sẽ làm sơn khô ngay lập tức mà chưa kịp thẩm thấu vào tường hoặc sẽ bị tường khô hút kiệt nước dẫn đến tình trạng sơn chống thấm bị cướp nước, sơn chống thấm không thẩm thấu được vào tường và sẽ bị hỏng ngay lúc đó.
Khi thời tiết quá lạnh sẽ làm giảm sự tương tác giữa các chất hóa học trong sơn chống thấm sẽ làm giảm tuổi thọ lớp sơn.
Điều kiện thời tiết lý tưởng để tiến hành sơn chống thấm là trời khô nắng ráo nhiệt độ khoảng từ 25 đến 32 độ C, độ ẩm bề mặt không quá 25%.
Hy vọng với bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu được quy trình chống thấm và chống thấm được những nơi bị thấm dột hay giúp bạn có thể tự tin tự sơn chống thấm cho ngôi nhà thân yêu của mình !.